Nốt cản âm sáng trong tim thai nhi
- Nốt cản âm sáng trong tim là dấu hiệu khá thường gặp ở thai nhi, chiếm tỉ lệ 3-6% thai nhi (châu Á gặp nhiều hơn các khu vực khác, 13% so với 5%). Những nốt này có thể phân biệt với bướu tim là kích thước nhỏ (<4mm) và mức độ cản âm mạnh. Dấu hiệu mô học của nốt cản âm sáng là lắng đọng khoáng chất trong cơ trụ thất trái. Các nghiên cứu tử thiết trên thai nhi có bất thường nhiễm sắc thể (ba nhiễm sắc thể 13 và 21) cho thấy vôi hóa cơ trụ chiếm 15%, nhiều hơn so với 2% của thai nhi có nhiễm sắc thể bình thường cùng dấu hiệu này. Những nốt cản âm sáng thường không tăng kích thước. Nốt cản âm sáng đơn độc hầu hết lành tính và không làm tăng nguy cơ bất thường nhiễm sắc thể. Tóm lại, nốt cản âm sáng trong tim:
(1) có thể tăng nguy cơ bất thường nhiễm sắc thể lên hai lần, do đó cần chọc ối trong những trường hợp có nguy cơ kết hợp cao.
(2) không làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim bẩm sinh.
(3) không gây ảnh hưởng chức năng tim.
Trở lại trường hợp con chị, các thông số đều bình thường, ngoại trừ nốt cản âm sáng đo được 1.7mm lúc 16 tuần, và 1.9mm lúc 20 tuần, như vậy là bình thường, bởi sai số cho phép trong siêu âm thai có phóng lớn là 0.2mm. Tuổi của chị dưới 35 tuổi và các chỉ số khác đều bình thường, do đó được xếp vào nhóm “nốt sáng đơn độc”, không cần chọc ối tìm bất thường nhiễm sắc thể. Hi vọng nốt sáng này làm cho chị quan tâm đến bé nhiều hơn, chứ không làm chị lo lắng. Chúc mẹ và bé đều khỏe.
ThS.Bs LÊ KIM TUYẾN (Viện Tim TP.HCM)